Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tổ chức Hội nghị chất vấn tại Phiên họp thứ 14 theo hình thức trực tuyến
Ngày đăng: 13/08/2022 09:57
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/08/2022 09:57
Ngày 10 tháng 8 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 14 theo hình thức trực tuyến từ Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Tham gia chủ trì phiên chất vấn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng được chọn trả lời chất vấn. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Hội nghị do đồng chí Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chủ trì; tham dự có các vị đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị
(Ảnh: cổng TTĐT Quốc hội)
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung chất vấn về hai nhóm vấn để: (1) Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. (2) Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Quang cảnh tại điểm cầu trực tuyến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Tại phiên họp buổi sáng, đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đã tham gia chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an như sau: “Thời gian qua, tình trạng “tín dụng đen” và cho vay nặng lãi đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự xã hội và đời sống của người dân. Tôi bày tỏ vui mừng khi Bộ trưởng đã nêu ra các giải pháp để xử lý vấn đề trên trong thời gian tới. Tuy nhiên đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có thể giải quyết triệt để tình trạng trên hay không để người dân được an tâm sinh sống. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc quy định thu phí đối với người dân khi đề nghị cung cấp thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì những người nghèo, những đối tượng chính sách có được ưu tiên, ưu đãi gì không?”
Đại biểu Lưu Văn Đức chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức liên quan đến vấn đề giải quyết triệt để “tín dụng đen”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, chừng nào còn nhu cầu vay và cho vay thì “tín dụng đen” còn “đất” hoạt động. Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính. Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội. Về thu phí thu thập thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, vấn đề này sẽ có quy định cụ thể của Bộ Tài chính và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tại hội nghị của phiên buổi chiều, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau: Đối với người dân tây nguyên, Voi không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội mà còn là biểu tượng của văn hóa. Việc dừng cưỡi Voi trong hoạt động du lịch trong khi chưa có chính sách phù hợp để chuyển đổi sinh kế cho các “Chú Voi” sẽ là áp lực rất lớn trong công tác bảo tồn Voi. Bộ trưởng có giải pháp gì giúp cho các hộ nuôi Voi ở Tây nguyên có thể vừa bảo tồn Voi, vừa duy trì và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng được “Sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất Tây nguyên”? Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt vấn đề, nếu nhận định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của du lịch Việt Nam là phải đứng trên “hai chân” nội địa và quốc tế thì sẽ làm như thế nào để đôi chân ấy không bị khập khiễng, đâu là yếu tố then chốt để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Đ/c Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
chất vấn vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch
Trả lời đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ không cấm đưa Voi vào chăn nuôi, khai thác để phục vụ hoạt động du lịch, nhưng nếu Voi già, yếu không nên để đưa vào khai thác. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các tỉnh Tây Nguyên để xem xét, tính toán, vừa phát huy được giá trị của Voi nhưng phải bảo vệ động vật nuôi. Giải trình về việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng thừa nhận, câu hỏi của đại biểu đặt ra cho toàn ngành phải suy nghĩ; du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không đơn thuần chỉ là du lịch phải được kết nối, liên kết với giao thông, với ngành công thương, ngành nông nghiệp và tất cả các ngành nghề khác chứ không chỉ riêng ngành du lịch tạo ra sản phẩm du lịch. Trong thời gian qua du lịch là ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch Covid-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Để thu hút trở lại khách hàng truyền thống cần có thời gian để kết nối, đồng thời cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan.
Kết thúc Hội nghị chất vấn Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá, các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, phản ánh sát diễn biến thực tế đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa, hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, diễn biến phiên chất vấn lần này cho thấy các nội dung lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn là đúng và trúng những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ và căn cơ. Kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn. Sau Hội nghị chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện giám sát./.
Nghị Viện