Tìm hiểu: Quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp.
Ngày đăng: 17/10/2024 08:51
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/10/2024 08:51
Bài đọc:
1. Trong hoạt động lập pháp, đại biểu Quốc hội có 03 quyền năng cơ bản: (1) Quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh; (2) Quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; (3) Quyền đề nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
1.1. Quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh: Kiến nghị là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Từ đó, xác lập nội dung kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội là gián tiếp thực hiện quyền kiến nghị của cử tri, của Nhân dân trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh. Việc kiến nghị về luật, pháp lệnh phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. (Khoản 1 Điều 33 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung năm 2020). “Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”. (Khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 2013). Theo đó, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mới, sửa đổi hoặc bổ sung luật, pháp lệnh nhằm đảm bảo yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước và quyền, nghĩa vụ công dân.
1.2. Quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: Đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên các căn cứ sau đây: (1) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; (2) Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chính sách của dự án luật, pháp lệnh; (3) Yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; (4) Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (khoản 2 Điều 32 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Tài liệu tham khảo
|
1.3. Làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp (Khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Quốc hội 2014).
2. Trong quá trình lập pháp, đại biểu Quốc hội có 03 nhiệm vụ cơ bản: (1) Tham gia thảo luận và biểu quyết thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Tham gia thảo luận về các dự án luật, dư thảo tại các phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội, họp đoàn đại biểu Quốc hội; (2) Tham dự các phiên họp thẩm tra, tham gia các hoạt động khác (Hội thảo, đoàn khảo sát, hội nghị góp ý dự án, dự thảo…) để phục vụ công tác thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; (3) Đại biểu hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập để thảo luận về các dự án, dự thảo. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Việc nắm bắt đầy đủ về quy trình lập pháp, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể, rất thuận lợi cho chủ thể khi tham gia hoạt động lập pháp của Quốc hội nói riêng, hoạt động của Quốc hội nói chung./.
Thanh Việt.