Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030
Ngày đăng: 06/12/2022 18:47
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/12/2022 18:47
Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ, về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2030.
Ông Lê Văn Cường - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì làm việc tại Sở Nội vụ
|
Để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo
|
Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, qua 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả quan trọng: các Chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế theo quy định của Trung ương được các sở, ngành và UBND các địa phương triển khai tích cực, các chính sách đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện.
Kết quả triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực các DTTS trong thời gian qua, đã góp phần làm thay đổi đời sống, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao; đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS dần khẳng định vai trò của mình, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng DTTS được nâng lên, góp phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng trong huyện, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nâng cao thể lực: Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em người dân tộc thiểu số luôn được chú trọng qua việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, thực hiện giám sát hỗ trợ hằng tháng, hằng quý đối với y tế cơ sở về công tác quản lý thai sản, tiêm phòng vắc-xin cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai; việc phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao. Công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng người dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, hiệu quả. Cung ứng các dịch vụ để nâng cao chất lượng dân số trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình được tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn thực hiện kịp thời tại các cơ sở y tế; tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kết hợp với các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi hành vi không có lợi cho sức khỏe, từ bỏ các tập tục lạc hậu khác, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng; các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; y tế dự phòng tiếp tục được triển khai đồng bộ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mạng lưới y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được củng cố. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi đến năm 2020 đạt 21,5‰; tuổi thọ bình quân của các DTTS đến năm 2020 là 70 tuổi; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi đến năm 2020 là 28,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển trí lực: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trong đó: có 01 Trường PTDTNT có cấp Trung học phổ thông và 15 trường PTDTNT cấp trung học cơ sở ở cấp huyện; có 06 Trường phổ thông dân tộc bán trú ở cấp huyện với hơn 4.896 học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia học tập. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, bồi dưỡng tiếng Việt cho con em DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có duy trì; thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, nhất là trong các trường dân tộc nội trú, trường có đông con em là người đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức về nạn tảo hôn, cưới hỏi sớm, ma chay tiết kiện, chống lãng phí. Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2020 đạt 6,5%; Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2020 là 82,4%; Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đến năm 2020 bậc tiểu học là 97,25%, bậc Trung học cơ sở là 93,1%; bậc trung học phổ thông là 69,7% đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ sinh viên DTTS được đào tạo sau đại học đến năm 2020 là 1,5% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo; Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 là 12%. Số cán bộ, công chức là người DTTS làm việc trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là 288/2.987 người, được 9,6% trong tổng số cán bộ, công chức. Số viên chức là người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện là 442/37.096 người được 12% trong tổng số viên chức. Cán bộ công chức cấp xã là người DTTS 744/4.142 người, được 17,96% trong tổng số cán bộ, công chức. Cơ bản, đội ngũ cán bộ DTTS trong tỉnh đã được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, nhất là đối với cán bộ chủ chốt từ cấp huyện, thành phố trở lên. Do đó, cùng với việc số lượng cán bộ DTTS các cấp trong hệ thống chính trị không ngừng được tăng lên, trình độ các mặt cũng có những thay đổi sâu sắc, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ DTTS hiện nay đã được nâng lên đáng kể.
Đoàn giám sát thăm và làm việc trực tiếp tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cư M’gar
|
Kết quả thực hiện chỉ tiêu nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 06 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; có 04 trường cao đẳng được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đã có 100% học sinh DTTS được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống; Tỷ lệ lao động người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đến năm 2020 đạt 36%; Tỷ lệ lao động người DTTS trong độ tuổi lao động từ 18 đến 35 được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng lao động, kỹ năng tìm việc, làm việc đạt 70,5%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, như: Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện đang làm việc tại một số cơ quan, đơn vị còn rất thấp. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chưa đồng đều. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS một số địa phương, ngành chưa cao; tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia cấp uỷ, chính quyền các cấp còn thấp; công tác tuyển dụng tỉ lệ người DTTS trúng tuyển còn thấp. Công tác chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu còn gặp khó khăn. Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở các buôn đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ chung của tỉnh..., những khó khăn, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: Xuất phát điểm vùng DTTS thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn, trong khi nguồn lực thực hiện chính sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến một số chính sách được ban hành nhưng không có kinh phí để thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vẫn còn hạn chế, khả năng đóng góp của Nhân dân không đáng kể vì đa số người dân ở các vùng DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Một số nguyên nhân chính là do việc phân bổ nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc nên chưa tập trung chỉ đạo và thực hiện đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, hộ nghèo vùng DTTS một số nơi có trình độ nhận thức thấp, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất, việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất không hiệu quả; một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng....
Ông Nguyễn Thượng Hải – UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo
|
Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với tình hình của các địa phương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Đề xuất với UBND tỉnh sớm xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết đặc thù về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thành lập trường liên thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, để tăng cường hơn công tác đào tạo, nuôi dưỡng nguồn cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Dồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 để ban hành kế hoạch cụ thể các chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.