Ban Dân tộc của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tại Ban Dân tộc của UBND tỉnh
Ngày đăng: 11/11/2022 20:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/11/2022 20:12
Ngày 08/11, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc của HĐND tỉnh do đồng chí Lê Văn Cường, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát đã làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh, giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2017 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Lê Văn Cường, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc của HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân tộc của UBND tỉnh.
|
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ, các chính sách phát triển nguồn nhân lực các DTTS luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Điều đó góp phần làm thay đổi, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS. Trong đó, kết quả một số chỉ tiêu của tỉnh thực hiện đã vượt so với Nghị quyết 52 của Chính phủ như: tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 21,5 ‰; 82,4% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; 1,5% sinh viên DTTS được đào tạo sau đại học; 70,5% người DTTS trong độ tuổi lao động được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng lao động, kỹ năng tìm việc làm, làm việc…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng Ban VH-XH của HĐND tỉnh, thành viên Đoàn giám sát làm việc với Ban Dân tộc của UBND tỉnh
|
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan như: xuất phát điểm vùng DTTS thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn, trong khi nguồn lực thực hiện chính sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến một số chính sách được ban hành nhưng không có kinh phí để thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vẫn còn hạn chế, khả năng đóng góp của Nhân dân không đáng kể vì đa số người dân ở các vùng DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và một số nguyên nhân chủ quan về cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện còn bất cập, đồng thời có một số nguyên nhân về phía người dân như: người DTTS một số nơi có trình độ nhận thức thấp, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất, việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất không hiệu quả. Một số hộ đông con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Học sinh trung học cơ sở trở lên đã trở thành “lao động chính” trong gia đình, nhiều học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 bỏ học, tham gia lao động làm thuê. Do đó vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết như: tuổi thọ bình quân của đồng bào DTTS; số sinh viên DTTS học cao đẳng, đại học; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường.
Trong buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đề nghị Ban Dân tộc và các sở ngành thẳng thắn nhìn nhận, giải trình làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 52 trong các giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Hà Huy Quang, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề với Đoàn giám sát
|
Kết luận phiên họp giám sát, đồng chí Lê Văn Cường, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc của HĐND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành nghiên cứu giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong từng lĩnh vực, chủ động xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ, sơ kết, đánh giá hiệu quả hằng năm. Các huyện chủ động xây dựng các chương trình lồng ghép cụ thể, rõ ràng, xem xét đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn. Đồng chí cũng thống nhất Đoàn giám sát sẽ kiến nghị đến các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh một số nội dung để phù hợp với tình hình mới như: đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 52 và các văn bản liên quan; nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức người DTTS; xem xét, ban hành kế hoạch chi tiết cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 cho toàn tỉnh; quan tâm sử dụng số nhân lực DTTS được đào tạo theo hệ cử tuyển chưa bố trí việc làm, tránh lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước…