Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Hội đồng nhân dân (HĐND) với Ủy ban nhân dân (UBND) và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được quy định tại Điều 15 của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi - bổ sung năm 2019; Điều 7, Điều 15 và Điều 16 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam không phải là cơ quan hoạt động thường xuyên nên mối quan hệ phối hợp giữa HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam được thực hiện chủ yếu thông qua Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam. Do đó, đầu nhiệm kỳ hoạt động của mỗi khóa, Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk đều phải thống nhất xây dựng Quy chế phối hợp công tác theo nguyên tắc hợp tác, trách nhiệm, tạo điều kiện để mỗi bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo luật định.

Đồng chí Y Vinh Tơr - Ủy viên DKBCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk khóa XV, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - Chủ tọa kỳ họp, điều hành phiên thảo luận.
Thực trạng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk: việc tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri (TXCT), tiếp thu kiến nghị, xem xét, giải quyết và trả lời nội dung kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp thực hiện khá tốt, đúng quy định của pháp luật từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn cho đại biểu TXCT đến công tác tổng hợp, chuyển và theo dõi kết quả xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị TXCT của đại biểu HĐND tỉnh. Căn cứ kế hoạch, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã triển khai, chủ trì hội nghị TXCT; UBND tỉnh phân công, chỉ đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triển khai và tham dự hội nghị TXCT theo quy định; trực tiếp xem xét, giải trình các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền quản lý của ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ. Kết thúc hội nghị TXCT, Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chọn lọc, tổng hợp chuyển nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã để xem xét, giải quyết và trả lời cử tri theo quy định. Tổ đại biểu HĐND tỉnh chọn lọc, phân loại, tổng hợp kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp Trung ương gửi Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết, trả lời cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh; phân công Ban Pháp chế của HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo kết quả xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp, qua đó giúp đại biểu HĐND tỉnh đánh giá trách nhiệm, chất lượng nội dung xem xét, trả lời kiến nghị cử tri của UBND tỉnh, sở, ngành liên quan; là cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh báo cáo với cử tri tại hội nghị TXCT tiếp theo. Đồng thời, giúp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo dõi, giám sát hoạt động, thực hiện lời hứa của đại biểu, trách nhiệm của chính quyền với cử tri. Do đó, thời gian qua, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk đạt được kết quả khá tốt, tất cả các kiến nghị của cử tri đều được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, xem xét, giải quyết, trả lời cử tri; đại biểu thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trước cử tri đã tin, tín nhiệm bầu làm đại biểu; lòng tin của cử tri vào các cấp chính quyền ngày càng tăng; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phát huy tốt vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:
Thứ nhất, Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong xây dụng kế hoạch, nội dung, địa điểm, thời gian… tiếp xúc cử tri còn có hạn chế, chưa chủ động, còn phụ thuộc vào cơ sở (cấp huyện, cấp xã), có lúc phải điều chỉnh thời gian kế tiếp xúc cử tri.
Thứ hai, đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh phân công, lãnh đạo UBND cấp huyện không thường xuyên tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri, nên việc xem xét, giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri có liên quan đến địa phương, cơ sở chưa được thực hiện kịp thời; đại biểu HĐND tỉnh thường không thể nắm rõ, toàn diện về tình hình thực tế, vụ việc cụ thể phát sinh tại địa phương, cơ sở nên cử tri ít hài lòng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc TXCT.
Thứ ba, đối tượng cử tri dự hội nghị tiếp xúc chưa được mở rộng, phần lớn cử tri là đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức ở cơ sở (thôn, buôn, tổ dân phố…), người dân ít tham dự; ít quan tâm tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri theo từng đối tượng, như: công nhân; học sinh, sinh viên; công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; … hoặc tiếp xúc cử tri theo ngành, như: ngành nông nghiệp; ngành Giáo dục và Đào tạo; công thương…
Thứ tư, sau các cuộc TXCT, công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi còn chậm, trùng lắp, chưa thống nhất, có địa phương do Thường trực HĐND cấp huyện tổng hợp, có địa phương do Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện phải tổng hợp để báo cáo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của chính quyền cấp huyện, cấp xã nhưng lại tổng hợp chuyển Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh, sau đó UBND tỉnh lại chuyển và chỉ đạo cấp huyện, cấp xã nới có kiến nghị của cử tri xem xét, giải quyết báo cáo UBND tỉnh, báo cáo tại kỳ họp của HĐND theo quy định.
Thứ năm, việc giải quyết một số kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp thuộc trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo; một số ý kiến hứa có thời gian giải quyết nhưng đến thời hạn vẫn chưa giải quyết xong. Có những vấn đề được cử tri nêu đi nêu lại trong nhiều cuộc TXCT nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng nên chưa đáp ứng được mong muốn và sự hài lòng của cử tri. Công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được thực hiện thường xuyên.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: chưa có sự phối hợp chặt chẽ và trao đổi, thông tin kịp thời về hoạt động công tác của các cơ quan của HĐND; giữa Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, cũng như giữa Tổ đại biểu HĐND tỉnh với Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Có trường hợp, đại biểu HĐND tỉnh chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác tiếp xúc cử tri; việc tham dự của đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn để giải trình những kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở chưa đầy đủ, thường xuyên. Có lúc, có nơi các sở, ngành, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết, thực hiện kiến nghị của cử tri.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND” cần triển khai một số giải pháp sau đây:
Quang cảnh kỳ họp chuyên đề lần thứ Nhất của HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X
Một là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; xây dựng kế hoạch TXCT, trong đó đảm bảo đầy đủ thành phần gồm đại điện Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các địa phương; cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham dự nhằm đảm bảo tính nghiêm túc; đồng thời có thể phối hợp giải thích, giải quyết, trả lời ngay tại hội nghị một số ý kiến cử tri phản ảnh, góp phần mang lại hiệu quả cao cho buổi tiếp xúc, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan Nhà nước. Thực tế cho thấy, địa phương nào phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Tổ đại biểu HĐND thì địa phương đó thực hiện tốt công tác TXCT.
Hai là, đối với từng đại biểu HĐND trước khi tiếp xúc cử tri cần kiểm tra, rà soát những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước đã được các cấp, các ngành, địa phương giải quyết đến đâu, còn vướng mắc, ách tắc khâu nào, nguyên nhân vì sao chưa giải quyết, đồng thời cập nhật những thông tin về chủ trương, chính sách; nội dung Nghị quyết quan trong mà HĐND đã thông qua hoặc sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để thông tin đến cử tri. Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND báo cáo ngắn gọn, đầy đủ trước cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của cấp mình, kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của các cơ quan chức năng có liên quan đối với những kiến nghị được nêu ra tại hội nghị TXCT trước đó; định hướng, gợi mở những vấn đề cần cử tri phát biểu. Đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện thì đại biểu HĐND yêu cầu đại diện UBND cùng cấp trả lời ngay hoặc nhận trách nhiệm giải quyết trước cử tri; đối với kiến nghị của cử tri liên quan đến nguồn lực ngân sách của tỉnh mà chưa thể giải quyết trong thời điểm hiện tại thì đại biểu HĐND báo cáo để cử tri chia sẻ những khó khăn chung của địa phương.
Ba là, cần mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri, trong đó tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Nếu thực hiện tốt hình thức này sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp đại biểu có thêm nhiều thông tin khi tham gia quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng của địa phương, tham gia xây dựng Nghị quyết phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
Bốn là, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam nơi tổ chức tiếp xúc, với tư cách là chủ trì buổi tiếp xúc cần quan tâm đến năng lực tổ chức, điều hành, biết gợi ý, hướng cử tri tham gia phát biểu có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần phải bám sát nội dung trọng tâm, bức xúc, nhất là những vấn đề quan tâm của đông đảo cử tri, phản ảnh kịp thời; phân loại theo từng lĩnh vực, đồng thời xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Năm là, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các vị đại biểu HĐND cấp tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; có thể tổ chức giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời cung cấp đầy đủ những thông tin về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho các đại biểu HĐND biết trước các đợt TXCT. Cần giải quyết những ý kiến của cử tri cũng như của đại biểu tại các kỳ họp HĐND để tránh tình trạng những ý kiến, kiến nghị của đại biểu cũng như của cử tri kiến nghị nhiều lần mà không được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết.
Sáu là, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng với các cơ quan Nhà nước liên quan, đại biểu dân cử cần quan tâm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến Nhân dân về kết quả các kỳ họp, nội dung Nghị quyết đã thông qua, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, nhu cầu phát triển kinh tế của người dân; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Bảy là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và các Tổ đại biểu trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động TXCT của đại biểu HĐND; quan tâm đến hình thức, nội dung, địa điểm, đối tượng và phương pháp để tổ chức các cuộc TXCT. Chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động tiếp xúc cử tri theo từng chuyên đề cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, Cán bộ, Công chức, viên chức của Ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND cấp tỉnh trực tiếp tham mưu hoạt động TXCT của đại biểu dân cử.
Tin, ảnh: Thanh Việt - Văn Linh