Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
Ngày đăng: 03/10/2022 14:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/10/2022 14:10
Ngày 12/9/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nghị quyết này hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND), Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND và giám sát của đại biểu HĐND.
![]() |
Hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh
|
Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là (1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết này; (2) Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; (3) Được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; (4) Báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; (5) Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo đó, Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND được thông qua, Thường trực HĐND ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của HĐND, trừ hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND được quy định tại Điều 62 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND, Ban của HĐND được tích hợp trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Thường trực HĐND, Ban của HĐND.
Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát cần nêu rõ mục đích, yêu cầu; phân công các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện; tiến độ, công tác tổ chức, phối hợp thực hiện; trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm. Trường hợp nội dung giám sát liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan khác nhau thì kế hoạch nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
Nghị quyết quy định tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát bao gồm:
(1) Là vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương;
(2) Không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên; nghị quyết của HĐND cùng cấp mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất, trừ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề cấp thiết khác;
(3) Không trùng nội dung với các chuyên đề giám sát đã được HĐND cùng cấp tiến hành giám sát trong khoảng thời gian ít nhất là 02 năm tính đến thời điểm đề xuất, trừ trường hợp giám sát lại nội dung đã được giám sát do đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát;
(4) Không trùng lặp về đối tượng giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên vào cùng thời điểm giám sát giữa HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND cùng cấp, trừ trường hợp giám sát theo đề nghị của HĐND, Thường trực HĐND cấp trên;
(5) Bảo đảm tính toàn diện, sự cân đối và phù hợp giữa các lĩnh vực;
(6) Các tiêu chí khác do HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND quyết định phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương.
![]() |
Hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh
|
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng quy định cụ thể về: tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐNND; Thời gian và trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổng hợp thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND; Lựa chọn nhóm vấn đề và kế hoạch chất vấn tại Phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp; Giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; Lựa chọn chuyên đề giám sát; Chuẩn bị dự thảo các nội dung triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND; Đoàn giám sát tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế; Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; Nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; Nhiệm vụ của các thành viên Tổ đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát; Thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND; Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND; Hoạt động giám sát tại các đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; Việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND…/.
Thu Thủy