Quy trình lập pháp: Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày đăng: 11/10/2024 08:23
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/10/2024 08:23
Bài đọc:
Lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tiến bộ cả về chất lượng và số lượng. Quy trình lập pháp được đổi mới từ khâu lập và thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đến việc xác lập cơ sở thực tiễn, lý luận, bảo đảm để chủ trương, chính sách được cụ thể hóa kịp thời; luật, pháp lệnh, nghị quyết ban hành sát, đúng với yêu cầu thực tiễn.
Tác giả xin giới thiệu khái quát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo luật hiện hành, để bạn đọc có thêm thông tin về thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quy trình lập pháp.
1. Văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành:
- Quốc hội có thẩm quyền ban hành luật và Nghị quyết.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ban hành pháp lệnh, nghị quyết và nghị quyết liên tịch.
Tài liệu tham khảo
|
- Quốc hội ban hành luật (Bộ luật, luật) để quy định 11 nội dung cơ bản:
(1) Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; (2) Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; (3) Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; (4) Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường; (5) Quốc phòng, an ninh quốc gia; (6) Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; (7) Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; (8) Chính sách cơ bản về đối ngoại; (9) Trưng cầu ý dân; (10) Cơ chế bảo vệ Hiến pháp; (11) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
- Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định 6 nội dung cơ bản:
(1)Tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; (2) Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; (3) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (4) Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; (5) Đại xá; (6) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh để quy định: những vấn đề được Quốc hội giao.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định 6 nội dung cơ bản: (1) Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; (2) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội; (3) Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; (4) Tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; (5) Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; (6) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch để quy định: quy định chi tiết những vấn đề được luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một trong những bước quan trọng trong quy trình lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo luật định. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vấn đề đặt ra là các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp phải hiểu và nắm rõ về thẩm quyền, quy trình lập pháp theo luật định; áp dụng thống nhất về trình tự, chặc chẽ về thủ tục sẽ giúp các chủ thể tham gia đúng vai trò, vị trí của mình trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Thanh Việt.