Quốc hội giám sát tại tỉnh Đắk Lắk về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngày đăng: 24/02/2023 14:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/02/2023 14:22
Chiều ngày 23/02/2023, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Dương Thanh Bình - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
![]() |
Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
|
Báo cáo tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk không mua vắc xin phòng Covid-19, chỉ thực hiện tiếp nhận, phân bổ vắc xin phòng Covid-19 do Trung ương cấp để triển khai tiêm cho Nhân dân. UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh quyết định việc việc sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước để sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định. Huy động tất cả nguồn lực ngoài nguồn ngân sách được nhà nước cấp cho công tác phòng chống dịch, tỉnh đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí được giao tự chủ của tỉnh và chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố để nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân để sử dụng công tác chống dịch hiệu quả. Đồng thời, tỉnh đã tranh thủ kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm ủng hộ phương tiện, nhân lực, vật chất để cùng tham gia phòng chống dịch Covid-19.Trong 02 năm (2021, 2022), tổng số tiền đã mua kit test khoảng 57,5 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Lắk đã huy động toàn bộ nhân viên y tế và tình nguyện viên luân phiên tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 và tiêm chủng vắc xin trên địa bàn. Đã xây dựng phương án bố trí các khu cách ly tập trung, điều trị trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, 120 khu cách ly tập trung với 10.335 giường (tuyến tỉnh: 9 cơ sở với 2.514 giường, tuyến huyện: 111 cơ sở với 7.821 giường); 5 đơn vị điều trị Covid-19 với 1.720 giường; 3 bệnh viện dã chiến; tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có cơ sở cách ly tập trung đảm bảo tiếp nhận các trường hợp F0, F1tại địa phương. Đã thực hiện chi trả các chế độ chính sách cho lực lượng huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời chương trình “Sóng và máy tính cho em”, mua 14.000 máy tính bảng với tổng kinh phí hơn 32,1 tỷ đồng cấp phát cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo quy định.
![]() |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát
|
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk thành lập Trung tâm Y tế huyện trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện (Trung tâm Y tế đa chức năng). Đối với thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ đang có Bệnh viện Đa khoa hạng II thì chỉ sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế.
Nhìn chung, mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, phát triển đến tận thôn, buôn đã tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế từ cơ sở. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập không ngừng được nâng cao và có nhiều tiến bộ; Tỉnh đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, củng cố tiêu chí quốc gia về y tế xã, kết quả 184 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã được đầu tư kiên cố, đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% Trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc. Tỷ lệ Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đạt 97,54%; Tỷ lệ Trạm Y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 100%; Hoạt động y tế dự phòng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng nhanh công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, chủ động trong công tác dự báo dịch bệnh lưu hành và dịch bệnh mới.
Hằng năm, tỉnh đã thực hiện đảm bảo quy định dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND quy định một số chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế và nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố; các đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tài chính, tiền tệ do Trung ương ban hành, bảo đảm đúng đối tượng, nhất là chính sách miễn, giảm, giãn thuế, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đối với hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng, địa phương đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.
![]() |
Thành viên Đoàn Giám sát, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tham gia ý kiến.
|
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi với UBND tỉnh cần tập trung vào một số vấn đề như: Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cán bộ y tế sau Covid-19; cơ cấu cán bộ y tế dự phòng; tình trạng sử dụng và đề xuất phương án đối với thuốc và vật tư y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 còn tồn; đầu tư trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở; Bổ sung kiến nghị về khó khăn, tồn tại liên quan đến thanh quyết toán công tác phòng, chống dịch Covid-19; khó khăn trong hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng III mua bảo hiểm y tế…
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình hoan nghênh những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong công tác phòng, chống Covid-19 với những chính sách tiên phong, chưa từng có tiền lệ được áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh. Đắk Lắk đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong thời điểm Covid-19 diễn biến căng thẳng, phức tạp. Đặc biệt đối với Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế - xã hội nhiều vùng còn khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xã, vùng biên giới.
![]() |
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
|
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cũng đề nghị tỉnh tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, nêu rõ những khó khăn của Đắk Lắk trong triển khai nhiệm vụ, nguyên nhân chính là vướng các quy định của bộ, ngành Trung ương; đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế các cấp, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị để nâng cao chất lượng hệ thống y tế, đánh giá ưu điểm đối với mô hình quản lý y tế các tuyến cơ sở để triển khai nhân rộng. Những kiến nghị, đề xuất của địa phương liên quan đến các chính sách về y tế, đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp, báo cáo để đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội giữa năm 2023.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng trình bày một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyên môn liên quan đến ngành y tế và công tác phòng, chống Covid-19 thời gian qua; thanh quyết toán về bảo hiểm y tế. UBND tỉnh kiến nghị đối với Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; có chính sách lương, phụ cấp đối với y tế cơ sở phù hợp với nhiệm vụ được giao, phù hợp với từng vị trí việc làm, đặc biệt là chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực có chất lượng cao phục vụ tuyến y tế cơ sở./.