Nâng cao chất lượng, hiệu quả các Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh
Ngày đăng: 14/10/2024 14:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/10/2024 14:20
Bài đọc:
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk luôn tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Một trong những kết quả nổi bật là việc Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thành công các phiên giải trình, tạo chuyển biến, hiệu quả rõ nét, khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Phiên giải trình năm 2024
|
Từ thực tiễn cho thấy, các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã phần nào tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Việc lựa chọn nội dung, chủ đề là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phiên giải trình
Phiên giải trình có thành công, có chất lượng, hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào việc lựa chọn nội dung, vấn đề giải trình.
Để xây dựng nội dung giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nội dung, chủ đề giải trình. Trên cơ sở tổng hợp nội dung đề xuất, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm, báo chí phản ánh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp, lựa chọn nội dung vấn đề giải trình có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến trách nhiệm thực thi chính sách, pháp luật, đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Qua 3 phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn nội dung giải trình tập trung vào các tiêu chí như: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những vấn đề bức xúc của công dân thông qua việc tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân, hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri; vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập ở địa phương; vấn đề "nóng", cần sớm được giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm…, cụ thể: Kết quả triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng 01 đơn nguyên Cầu 110 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, dự án nằm trên địa bàn 02 tỉnh (Đắk Lắk - Gia Lai); Dự án xây dựng cầu treo dây văng Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk (cũ) do Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa bàn 02 tỉnh (Đắk Lắk - Đắk Nông); Tiểu dự án Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; giải trình về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh; việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân (đất nông nghiệp và đất ở) và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2021)”; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và Báo cáo kết quả thực hiện kết luận phiên giải trình về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh và việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh.
Có thể nói, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong việc phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Đồng thời, hoạt động giải trình có những tác động tích cực, đã làm rõ thực trạng trong công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề, vụ việc cụ thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh thời gian qua vẫn có một số khó khăn, hạn chế như: việc tổ chức phiên giải trình còn ít; phương thức tổ chức chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo; hoạt động phản biện, tranh luận tại phiên giải trình chưa nhiều. Đa số các đại biểu ít tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giải trình, còn tâm lý nể nang, ngại va chạm; các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên trách đặt ra. Việc thực hiện kiến nghị sau giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhưng tiến độ còn chậm, chưa được giải quyết dứt điểm; việc theo dõi, đôn đốc và tổng hợp các kiến nghị giải trình có lúc chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.
Ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn một số nội dung về việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND.
|
Để khắc phục hạn chế, khó khăn và tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh cần quan tâm chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, trước khi tổ chức phiên giải trình, cần tập trung nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn nội dung, chủ đề giải trình;
Hai là, trong quá trình tổ chức phiên giải trình, cần chú trọng công tác chuẩn bị, như: việc tiếp cận, thu thập thông tin, tổ chức lấy ý đại biểu HĐND, thẩm tra báo cáo giải trình, chuẩn bị nội dung phản biện, tranh luận tại phiên giải trình;
Ba là, việc điều hành phiên giải trình cũng cần linh hoạt, gợi mở vấn đề trọng tâm; khuyến khích đối thoại, tranh luận, làm sáng tỏ nội dung giải trình;
Bốn là, nội dung kết luận phiên giải trình phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; đề ra các giải pháp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc; đồng thời có yêu cầu về thời hạn hoàn thành từng nội dung, nhóm vấn đề cụ thể;
Năm là, các cơ quan, đơn vị có liên quan tại phiên giải trình phải chuẩn bị báo cáo bảo đảm, theo những nội dung yêu cầu của chủ thể giám sát; người trả lời giải trình phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm.
Sáu là, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau phiên giải trình; đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ…Mặt khác, các đại biểu HĐND cần nâng cao trách nhiệm của mình với cử tri; thể hiện được bản lĩnh, không nể nang, e ngại; tích cực nghiên cứu chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; sâu sát cơ sở, thường xuyên gần gũi với cử tri để lắng nghe, nắm tình hình; xem xét việc triển khai và kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương… để nắm thông tin chính xác, thảo luận làm sáng tỏ vấn đề.
Thực hiện tốt hoạt động giải trình sẽ có hiệu ứng tích cực, tạo sự thay đổi trong tư duy chỉ đạo, điều hành không chỉ đơn vị tham gia giải trình mà còn đối với thủ trưởng của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ cử tri, Nhân dân trong tỉnh, vun đắp niềm tin của cử tri với những người có thẩm quyền thuộc cơ quan dân cử.
Thu Thủy.