Một số điểm mới cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân (Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025)
Ngày đăng: 03/03/2025 10:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/03/2025 10:27
Bài đọc:
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2025). So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 - được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2015), về tiêu chuẩn của đại biểu HDND; nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND... quy định tại Luật năm 2025 có một số điểm mới cơ bản như sau:
1. Về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân
Ngoài việc kế thừa những tiêu chuẩn của đại biểu HĐND theo Luật năm 2015; để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, giúp đại biểu có điều kiện theo sát tình hình thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh chính xác hơn những vấn đề thực tiễn phát sinh, xảy ra tại địa phương; Luật năm 2025 đã bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND, đó là phải “Cư trú hoặc công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình là đại biểu HĐND” (Điều 5).
2. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Theo Luật năm 2025, HĐND làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Quy chế làm việc mẫu của HĐND. Trước đây, Luật năm 2015 quy định, HĐND làm việc theo chế độ hội nghị, và thực hiện theo quy định của Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ không ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết.
Trong vấn đề biểu quyết để quyết định các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Để thích ứng với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương, tạo sự linh hoạt trong quá trình thực hiện, Luật năm 2025 đã quy định việc biểu quyết của HĐND (tại Điều 33) theo “cơ chế mở”, theo đó, việc biểu quyết có thể bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo Quy chế làm việc của HĐND.
3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân
Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, Điều 19 Luật năm 2015 bố cục thành 9 khoản (trong mỗi khoản có các điểm quy định chi tiết, cụ thể), tương ứng mỗi khoản là nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong từng lĩnh vực/nhóm lĩnh vực gồm: (1) về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; (2) về xây dựng chính quyền; (3) trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường; (3) lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; (5) lĩnh vực y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội; (6) về công tác dân tộc, tôn giáo; (7) lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; (8) công tác giám sát; và (9) nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật năm 2025, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh chỉ quy định tại một khoản (khoản 1 Điều 15), với 19 điểm, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh trong các lĩnh vực, theo hướng quy định một cách khái quát hơn - không phân chia theo từng nhóm, lĩnh vực như Luật năm 2015. Trong đó, có một số nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung, điều chỉnh, như:
- HĐND tỉnh căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
- HĐND tỉnh quyết định chính sách trọng dụng nhân tài phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.
- HĐND có thẩm quyền ban hành Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cấp mình.
- Ngoài việc Luật hóa thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; Luật năm 2025 đã bổ sung HĐND tỉnh có thẩm quyền quyết định thay đổi tên gọi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp theo quy định của pháp luật.
- Luật năm 2015, quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật năm 2025, các nhiệm vụ này không còn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, mà sẽ thuộc thẩm quyền của HĐND cấp huyện.
- Trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm một số chức danh:
+ Luật năm 2015 quy định, HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND. Tuy nhiên, theo Luật năm 2025, HĐND không thực hiện việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Trưởng ban của HĐND.
+ Điều chỉnh cơ quan/người có thẩm quyền giới thiệu/đề nghị bầu một số chức danh: Theo Luật năm 2025, việc bầu Chủ tịch HĐND tại kỳ họp thứ nhất sẽ thực hiện theo đề nghị của Thường trực HĐND khóa trước (Luật năm 2015 quy định thực hiện theo giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp).
Việc bầu Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND tại kỳ họp thứ nhất thực hiện theo đề nghị của Thường trực HĐND khóa trước; trong nhiệm kỳ việc bầu các chức danh này thực hiện theo danh sách đề cử của Thường trực HĐND (theo Luật năm 2015, việc bầu các chức danh này tại bất kỳ kỳ họp nào đều thuộc thẩm quyền giới thiệu của Chủ tịch HĐND). Như vậy, theo quy định của Luật năm 2025, Chủ tịch HĐND không giới thiệu bầu các chức danh này.
4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân
So với Luật năm 2015, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được mở rộng hơn. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật (như quy định của Luật năm 2015); theo Luật năm 2025, Thường trực HĐND còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được HĐND giao và quy định khác của pháp luật có liên quan. Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, Luật năm 2025 quy định Thường trực HĐND có thêm các quyền sau:
- Quyết định số lượng thành viên các Ban của HĐND cấp mình; Phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Trưởng Ban theo đề nghị của Trưởng Ban của HĐND (theo Luật năm 2015, Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND quyết định).
- Trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND có quyền:
+ Quyết định: (1) Biện pháp giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; (2) Điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm.
+ Xem xét, chấp thuận việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND trong trường hợp đại biểu HĐND không còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu; hoặc theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
Sau khi quyết định, xem xét chấp thuận các vấn đề này, Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Có thể thấy rằng, nội dung Luật năm 2025 vừa kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật năm 2015, vừa tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; khắc phục các hạn chế, bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua; bên cạnh đó, luật đã thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp./.
P.H