Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày đăng: 24/05/2024 14:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/05/2024 14:33
Bài đọc:
Ngày 29/5 hằng năm là Ngày Quốc tế lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Với trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã sớm tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trong đó, có hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam được triển khai từ năm 2014.
Nữ quân nhân Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Nguồn: internet).
|
Để có được những thành tựu đó, ngoài việc thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã quán triệt sâu sắc, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 130/2020/QH14 của Quốc hội ngày 13 tháng 11 năm 2020 về tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 130/2020/QH14 quy định: Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới, được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên hợp quốc.
Quy định về nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của lực lượng Việt Nam, Điều 4 của Nghị quyết nêu rõ:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
- Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc.
- Chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.
Và tại Điều 5 của Nghị quyết, các lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bao gồm: Tham mưu; Hậu cần; Kỹ thuật; Thông tin, liên lạc; Công binh; Quân y; Cảnh sát; Kiểm soát quân sự; Quan sát viên quân sự; Quan sát viên và giám sát bầu cử và các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.
Nghị quyết 130/2020/QH14, đã bảo đảm được sự thống nhất và đồng bộ với Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Qua đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã triển khai, phối hợp có hiệu quả các công tác, nhiệm vụ được giao trong các nhiệm vụ chung của Liên hợp quốc, có những đóng góp rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác đối ngoại nhân dân.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước có trách nhiệm phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.
Từ năm 2014 đến nay, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả này, góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Tháng 5/2022, Việt Nam đã cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei. Sau gần 1 năm triển khai, Chỉ huy Phái bộ đánh giá Đội công binh Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Phái bộ tại Abyei. Không dừng lại ở đó, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc và người dân tại địa bàn.
Những đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình đã tạo nên dấu ấn của Việt Nam trên trường quốc tế ở môi trường đối ngoại đa phương, khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của các nghị quyết liên quan đến Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các hoạt động bảo đảm, quản lý nhà nước đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc, được đúc kết trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, kết hợp với vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh./.
Đam San