Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022), đồng chí Võ Văn Ngân với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Ngày đăng: 27/09/2022 16:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/09/2022 16:25
Thực hiện hướng dẫn số 61-HD/BTGTU, ngày 22/9/2022 của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Hướng dẫn số 25-HD/BTGĐUK, ngày 26/9/2022 của Ban tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022). Tác giả tổng hợp và xin giới thiệu với bạn đọc về cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng của Đồng chí Võ Văn Ngân.
Đồng chí Võ Văn Ngân, từ một người yêu nước chân chính thành một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong đầu tiên ở Long An. Cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với những dấu ấn đầy tự hào, là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, mẫu mực, bất khuất, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Ngân, sinh năm 1902 tại ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), trong gia đình có truyền thống tham gia phong trào chống Pháp, cả 7 anh, chị, em của đồng chí khi trưởng thành đều trở thành đảng viên hoặc là cơ sở cách mạng. Thấm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình, ông sớm ý thức về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống ách cai trị của thực dân Pháp. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần tham gia vào Hội kín Nguyễn An Ninh, một tổ chức bí mật hoạt động đấu tranh đòi độc lập, chống lại quyền cai trị của thực dân Pháp tại Nam Kỳ, sau đó chuyển sang gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
![]() |
Đồng chí Võ Văn Ngân (Ảnh: Tư liệu)
|
Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Ngân cùng với đồng chí Võ Văn Tần tham gia An Nam Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ Cộng sản sớm nhất ở Đức Hòa vào cuối năm 1929 gồm 7 đảng viên do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Sau khi thành lập, các đồng chí trong chi bộ nhanh chóng vận động nhân dân các nơi khác tham gia cách mạng và phát triển tổ chức đảng. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, Võ Văn Ngân được bầu là Quận ủy viên và đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư là anh trai của ông.
Ngày 04/6/1930, thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần lãnh đạo cuộc biểu tình tại thị trấn Đức Hòa đòi Pháp giảm thuế nhưng bị đàn áp. Sau đó, chính quyền thực dân Pháp ra sức lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Quận ủy Đức Hòa. Ông cùng Võ Văn Tần trốn sang quê mẹ ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Cuối năm 1931, do bị chỉ điểm, phần lớn lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định bị chính quyền thực dân bắt giữ. Mặc dù vậy, đồng chí Võ Văn Ngân cùng với đồng chí Võ Văn Tần tiếp tục ra sức hoạt động nhằm khôi phục các cơ sở Đảng đã mất và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Ngân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí đã có công rất lớn trong việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở đảng ở 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong giai đoạn 1931 - 1933.
Đầu tháng 3/1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần I (3/1935), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu làm Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau Đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ ngay lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, Bí thư Xứ ủy và phần lớn xứ ủy viên đều bị bắt. Đồng chí Võ Văn Ngân cùng các đồng chí còn lại bắt tay khôi phục Xứ ủy và được cử làm Bí thư Xứ ủy.
Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Ngân còn cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tiến hành xây dựng căn cứ 18 thôn Vườn Trầu, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định làm hậu cứ an toàn cho Xứ ủy và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị đề ra các nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ VI về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp vận động cứu nước, đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công rực rỡ. Tuy nhiên, đang lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 29/10/1938.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Văn Ngân là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng thời bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ./.
Khánh Trà