Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 -2024
Ngày đăng: 01/07/2025 08:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/07/2025 08:15
Thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại Kỳ họp thứ Mười vào ngày 24/6/2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xem xét, thông qua kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 – 2024.
![]() |
(Ảnh: Quang cảnh Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khoá X)
|
Về kết quả đạt được: Trong giai đoạn 2020 - 2024, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; hoạt động khai thác khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch phê duyệt; công tác cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan được thực hiện cơ bản đúng quy trình, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác được quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản; các địa phương cơ bản đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển khoáng sản tại địa bàn; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật, thực hiện thăm dò, khai thác theo Giấy phép được cấp; thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; một số doanh nghiệp bước đầu đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế; sản lượng khai thác khoáng sản tăng hằng năm đã tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu xây dựng, nguồn nguyên vật liệu phục vụ các công trình, dự án và đóng góp nguồn lực tài chính cho ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác khoáng sản của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước: Công tác quy hoạch khoáng sản chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa dự báo được nhu cầu nguyên liệu khoáng sản cho các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư của tỉnh. Việc cấp phép khai thác mỏ đất san lấp công trình trên địa bàn tỉnh chậm, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ đất san lấp được cấp phép, dẫn đến nguồn cung vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trên địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn; việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản một số trường hợp còn chậm. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại một số địa phương nhưng chưa được tập trung xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện; hoạt động khai thác, tập kết sét trái phép diễn ra thường xuyên trên địa bàn các huyện. Một số cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn xã Ea Uy, Ea Yiêng, Vụ Bổn huyện Krông Pắc; xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp huyện Krông Ana chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động; việc khai thác sét trái phép phục vụ các cơ sở gạch nung vẫn diễn ra chưa được quản lý; có doanh nghiệp khai thác cát sử dụng bãi tập kết cát chưa được quy hoạch, cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động (Công ty TNHH Hà Bình, huyện Krông Pắc). Chưa có sự quản lý chặt chẽ đối với phương tiện vận chuyển quá tải, gây hư hỏng nặng các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (Đường giao thông vào khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nu, xã Dray Sáp huyện Krông Ana (cấp thiết kế: Đường cấp IV vùng núi), nhưng xe chở vật liệu đá xây dựng ở các mỏ lưu thông với trọng tải rất lớn (gần 50 tấn) của các công ty khai thác tại địa bàn xã Dray Sáp, huyện Krông Ana; xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột).
![]() |
(Ảnh: Đồng chí Lê Văn Cường – Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát)
|
Đối với việc chấp hành của các đơn vị khai thác khoáng sản vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản vượt công suất, khai thác trái phép, sử dụng bãi tập kết nằm ngoài phạm vi cấp phép vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; một số mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera hoặc lắp đặt mang hình thức đối phó không sử dụng; một số phương tiện vận tải không cân tải vật liệu trước khi di chuyển ra ngoài, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước. Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về thiết kế, lắp đặt và trang bị cơ cấu bảo vệ, bảo hiểm để ngăn ngừa vật liệu văng ra gây nguy hại cho người đối với máy dập, máy nghiền; không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; lập, phê duyệt, sử dụng thiết kế mỏ có nội dung không phù hợp với dự án đầu tư, thiết kế cơ sở đã phê duyệt và giấy phép khai thác khoáng sản; điều chỉnh, thay đổi công nghệ khai thác, công suất khai thác so với thiết kế mỏ đã duyệt mà chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; vi phạm các quy định về cấp tải, vận chuyển nguyên liệu;.... Một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa có trách nhiệm trong việc nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản; quá trình vận chuyển vật liệu gây thiệt hại về hạ tầng giao thông nhưng không thực hiện sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật. Một số đơn vị đóng tiền ký quỹ chưa đảm bảo theo thời hạn quy định hằng năm; vẫn còn tình trạng chậm thuế, nợ thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
(1) Sau khi hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên cần tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bảo vệ tài nguyên khoáng sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với đơn vị hành chính mới. Rà soát bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, kịp thời đáp ứng cho các công trình, dự án và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các mỏ đất làm vật liệu xây dựng,... Tăng cường quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
(2) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quản lý, khai thác khoáng sản trong thời gian qua; nhất là quy chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành Nông nghiệp và Môi trường - Thuế - Công an - địa phương. Kịp thời ban hành văn bản quản lý về khoáng sản theo quy định của pháp luật và thực tế của địa phương; nghiên cứu xây dựng ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và giảm thiểu tác động môi trường; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát...
(3) Tăng cường kiểm tra, quản lý việc khai thác khoáng sản tại các mỏ đảm bảo đúng phạm vi, diện tích, độ sâu, công suất, trữ lượng được cấp phép khai thác. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp được khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ việc lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế; cập nhật thông tin, số liệu, trữ lượng đầy đủ, thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản đúng quy định; biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường; sữa chữa nâng cấp các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp do hoạt động khoáng sản gây ra.
(4) Tăng cường chỉ đạo, thực hiện và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản nhằm xử lý các vi phạm kịp thời, nhất là các hoạt động vận chuyển khoáng sản quá tải; hệ thống các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông chưa được cấp phép, khai thác vượt sản lượng cấp phép,.. kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là các giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai của các doanh nghiệp theo cam kết đảm bảo yêu cầu cảnh quan môi trường sau khai thác.
(5) Rà soát việc thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiênliệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; rà soát, thống kê, đánh giá tình hình sản xuất gạch đất sét nung với nhu cầu thực tế hiện nay của tỉnh để xây dựng lộ trình xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không đáp ứng các quy định theo đúng quy định tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
(6) Rà soát các mỏ hết thời hạn khai thác khẩn trương thẩm định, phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ; nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định; có giải pháp đưa các mỏ đã đóng cửa, phục hồi môi trường để sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất./.
Khánh Trà - Kim Ngân