Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu tại Hội trường chiều ngày 02 tháng 6 năm 2022
Ngày đăng: 03/06/2022 15:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/06/2022 15:27
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Ba - Quốc hội khóa XV, buổi chiều ngày 02/6/2022, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đã tham gia phát biểu về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Trần Nghị Viện)
|
Đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cho phát triển. Nhìn lại năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân đã nỗ lực kiểm soát và hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, cuộc sống Nhân dân ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững. Dịch bệnh COVID-19 tuy có gây thiệt hại về tính mạng của người dân (khoảng 43.000 người tử vong, chiếm 0,04% dân số) nhưng so với nhiều nước, trong đó có nước Mỹ với nền kinh tế rất mạnh, hệ thống y tế hiện đại nhưng con số tử vong lên đến một triệu người (khoảng 0,3% dân số), tỷ lệ này cao gấp 7,5 lần so với nước ta, trong khi nhiều nước tăng trưởng kinh tế âm thì nền kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng dương đạt gần 3%. Đại biểu nhận định, trong điều kiện nguồn lực về kinh tế và nguồn nhân lực còn hạn chế thì những kết quả đạt được về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế của nước ta là một thành quả không nhỏ, đây chính là thành quả lớn nhất của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, không chỉ tiết kiệm được, tránh những thiệt hại về kinh tế mà còn giảm thiểu được thiệt hại về tính mạng của người dân.
Đại biểu chia sẻ với các gia đình chịu đau thương, mất mát do có người thân không may qua đời vì dịch bệnh, đặc biệt là với bà con, Nhân dân và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đi đầu và chịu nhiều mất mát trong phòng chống dịch bệnh.
Đại biểu lưu ý, đất đai để hoang hóa, không đưa vào sử dụng để tạo ra của cải vật chất; vốn ODA vay về nhưng chậm giải ngân, chậm sử dụng trong khi chúng ta vẫn phải trả lãi; công trình do chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư… là những vấn đề cần quan tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, đề nghị Báo cáo cần phải làm rõ: tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được cái gì, chống lãng phí được bao nhiêu, lãng phí những gì và lãng phí bao nhiêu? Việc bóc tách như vậy là rất khó, nhưng nếu không làm được thì sẽ dễ dẫn đến đánh đồng việc chống lãng phí cũng như là thực hành tiết kiệm, không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự cần thiết, để có được sự quyết tâm chống lãng phí, công tác chống lãng phí vì thế sẽ khó đạt hiệu quả.
Đại biểu cho rằng, pháp luật cần mở ra cơ chế để các cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tìm ra cách làm mới, cách làm hay, hiệu quả hơn, có như vậy thì xã hội mới phát triển được, đất nước mới có thể phồn vinh, thịnh vượng, đây cũng là bài học vượt rào mà chúng ta đã nhận được qua quá trình thực hiện đổi mới, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh “cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin”. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành văn bản để thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Đề án của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Với nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đại biểu tán thành với những giải pháp được đề ra tại Báo cáo của Chính phủ và bổ sung tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng thời đề xuất thêm các ý sau:
Thứ nhất, đối với những nội dung đã được nhận diện là lãng phí, đề nghị Chính phủ cần tập trung quyết liệt xử lý, khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Ví dụ: Công tác giải phóng mặt bằng trong các công trình, dự án, làm thế nào để giải phóng mặt bằng đúng hoặc vượt tiến độ, cho dù ban đầu có thể tốn kém hơn nhưng kết quả không bị kéo dài dẫn đến chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư; đối với các dự án tồn đọng, kém hiệu quả do sai phạm buộc phải giải quyết nhưng nếu không kịp thời giải quyết thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn, lãng phí chồng lãng phí; đối với đất đai nông lâm trường, Chính phủ đã kiểm tra, Quốc hội đã giám sát, đã nhận diện nhiều trường hợp không hiệu quả, buông lỏng quản lý nhưng việc xử lý để phát huy hiệu quả các nguồn lực đất đai đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên vẫn còn rất chậm, trong khi người dân thì thiếu đất sản xuất. Đây là vấn đề phải làm, nếu làm sớm được thì không những tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả mà còn tạo thêm được của cải cho xã hội, tài sản cho Nhà nước, cho Nhân dân.
Thứ hai, có không ít việc ở địa phương hoặc cơ quan, tổ chức có vướng mắc phải hỏi cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp, các cơ quan này trả lời theo cách trích văn bản sau đó đề nghị thực hiện theo quy định, cách trả lời này không sai nhưng lại không giúp xử lý, khắc phục được vướng mắc dẫn đến chậm triển khai, không triển khai thực hiện được công việc, gián tiếp dẫn đến lãng phí, vì vậy đề nghị các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động tìm hiểu những vướng mắc, bất cập của cấp dưới, trên cơ sở đó trao đổi, thống nhất, kịp thời hướng dẫn cấp dưới thực hiện, khắc phục cách xử lý công việc kém hiệu quả nêu trên.
Thứ ba, cần phải đề ra giải pháp hiệu quả để giáo dục, rèn luyện và xây dựng ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cho mọi người, đặc biệt là cán bộ, công chức./.