Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận tại tổ đối với các dự án Luật trình Kỳ họp
Ngày đăng: 12/11/2023 10:48
Chiều ngày 08/11/2023, các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hậu Giang và Đắk Lắk (Tổ 13) thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các ý kiến cho rằng, sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp Tổ (chiều ngày 08/11/2023).
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân - Đoàn Đắk Lắk: cơ bản đại biểu hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết như nội dung trình của Chính phủ để ban hành hai luật: (1) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đối với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu cho rằng Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra, cá nhân đại biểu cũng tham gia trực tiếp vào báo cáo thẩm tra nên không có ý kiến thêm. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết và cho rằng, từ thực tiễn chúng ta thấy trong Luật Đấu giá tài sản vẫn xảy ra một số bất cập, vướng mắc, thậm chí đôi lúc cũng có những tiêu cực. Cho nên, đại biểu yêu cầu sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản lần này phải đảm bảo được tính công khai, tính minh bạch và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, các tổ chức đấu giá và các đấu giá viên. Đại biểu cho rằng, yêu cầu cao nhất khi chúng ta sửa luật để hạn chế những bất cập, những vướng mắc và những vấn đề chúng ta thấy trên thực tế vẫn xảy ra nên trong luật phải đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các đối tượng liên quan.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu thêm các chế tài mạnh hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền để tránh các nhu cầu ảo
|
Đối với những điều khoản cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn Đắk Lắk cho rằng: (1) Tại khoản 1, Điều 1 về tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Hiện nay, trong Luật xử lý vi phạm hành chính đang điều chỉnh cả về tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị tại khoản 1, Điều 1 nên bổ sung về tài sản là tang vật, phương tiện bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay. (2) Về nghĩa vụ của đấu giá viên quy định tại Khoản 4, Điều 1 dự thảo luật. Đại biểu đề nghị phải cân nhắc sửa đổi vẫn quy định theo hướng là nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thực tế hiện nay các công dân Việt Nam muốn trở thành đấu giá viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện rất chặt chẽ về quy định của Luật đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, các tổ chức đấu giá tài sản vẫn thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ hành nghề để tăng tính cạnh tranh và bảo đảm hoạt động đấu giá của mình thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu cho rằng chúng ta quy định về nghĩa vụ thì đôi lúc có những thời điểm, những trường hợp có lẽ không cần phải tham gia những lớp tập bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, đại biểu đề nghị nên chuyển từ nghĩa vụ sang quyền được tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng: để tận dụng được lợi ích của đấu giá trực tuyến, dự án luật cần bổ sung các quy định riêng về hình thức này.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Tổ
|
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế định về đấu giá trực tuyến, đấu giá công khai là rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, xét cả ở yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có liên quan trong hoạt động đấu giá, góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đấu giá.
Đối với Điều 40 dự thảo Luật hiện hành có liệt kê 04 hình thức đấu giá nhưng chưa quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung 01 điều quy định về hình thức đấu giá trực tuyến để quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá thông qua hình thức trực tuyến (bao gồm cả việc sử dụng và chi phí sử dụng hệ thống đấu giá trực tuyến của Cổng đấu giá tài sản quốc gia)./.
Phòng Công tác Quốc hội