Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Kỳ họp Thứ Bảy, Quốc hội chia thành 19 tổ. Theo đó, tổ 13, gồm có 4 Đoàn đại biểu Quốc hội: Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hậu Giang và Lạng Sơn.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự phiên họp tại Tổ 13 (Chủ trì bên trái).
|
Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); qua nghiên cứu Tờ trình số 256 Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra 2792 của Ủy ban Kinh tế và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư, đại biểu Quốc hội, Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk) cơ bản thống nhất với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các hồ sơ của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu cho rằng, nếu chủ trương đầu tư này được thông qua sẽ tạo ra dấu mốc mới quan trọng, góp phần cụ thể hóa nội dung đột phá chiến lược của Nghị quyết số 13-NQ/TW, Kết luận 72-KL/TW, ngày 23/02/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, xác định đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông. Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ hiện thực hóa các chiến lược, nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của hai khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cũng như cả nước. Đồng thời, cũng giải quyết được vấn đề liên kết vùng, đặc biệt, kết nối vùng Đông Nam Bộ, phát triển đầy năng động với vùng Tây Nguyên rộng lớn và có nhiều tiềm năng. Hưởng lợi trực tiếp vào đây là kết nối giữa cửa ngõ phía Nam, vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, với các “huyết mạch giao thông”của quốc gia cũng như hành lang giao thông quốc tế. Trên cơ sở đánh giá, phân tích nêu trên, đại biểu Quốc hội, Y Vinh Tơr đề xuất:
(1). Một là: Cần thiết phải ưu tiên tập trung nguồn lực, toàn tuyến đầu tư giai đoạn Một đủ 4 làn xe, đảm bảo khai thác đồng bộ, an toàn, hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong tờ trình của Chính phủ, đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, có chiều dài khoảng 2 km, quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét nên đầu tư đồng bộ, toàn tuyến của dự án. Đại biểu cho rằng, Qua những tuyến vừa rồi đã làm, mặc dù có phân kỳ đầu tư, có việc do quản lý, điều hành và khai thác, nhưng xét thấy nếu như đầu tư đồng bộ một lần thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kết nối. Đặc biệt đây kết nối vào tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cũng đảm bảo an toàn và các điều kiện khai thác khác có liên quan.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tại kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV
|
(2) Vấn đề thứ hai, liên quan đến quy mô và hướng tuyến, qua các ý kiến của đại biểu, đặc biệt đoàn Đắk Nông và Lâm Đồng đề nghị Chính phủ cần lưu ý thêm, hiện nay đối với địa bàn tỉnh Đắk Nông, hiện có quy hoạch mỏ bô xít, nếu như đi qua những địa bàn này không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lập và thực hiện dự án có liên quan, đây là một yếu tố phải cần lưu ý, quan tâm.
|
Đại biểu Quốc hội, Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk) phát biểu
|
(3) Về nguồn vốn, đối với nguồn Trung ương có đầy đủ các cơ sở rồi, tuy nhiên, tôi băn khoăn về vấn đề này và Chính phủ cần xác định chắc chắn hơn, đó là khả năng đảm bảo nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Qua báo cáo của một số dự án quan trọng trước đây đã triển khai, ban đầu tôi xác định theo phương thức đối tác công tư nhưng sau đó nhà đầu tư không đảm bảo nguồn, phải xin Quốc hội chuyển, đề nghị phải làm rõ cho chắc chắn điều này. Đối với phần vốn ngân sách của địa phương cần làm rõ tính đảm bảo trong bối cảnh hiện nay, thu ngân sách của địa phương không thuận lợi; tôi không biết tỉnh Bình Phước như thế nào? Nhưng tôi chắc chắn đối với Đắk Nông và một số tỉnh Tây Nguyên, thu nguồn ngân sách hiện nay để đầu tư phụ thuộc nhiều vào thu biện pháp tài chính, việc đảm bảo nguồn vốn của hai địa phương này đã cam kết là 2.233,5 tỷ đồng. Quyết định này nếu được thực hiện, chỉ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026, trong đó có nội dung liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đây là giai đoạn đầu tiên, nếu Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương trong giai đoạn đầu bằng biện pháp tài chính cụ thể sẽ dẫn đến chậm. Chúng ta biết, giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là giai đoạn mất nhiều thời gian thực hiện nhất. Đại biểu Quốc hội, Y Vinh Tơr, Đoàn Đắk Lắk băn khoăn.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu Quốc hội Tổ 13 đều nhất trí cao với sự cần thiết điều chỉnh với các lý do Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
Liên quan đề xuất điều chỉnh quy định về nguồn vốn, đại biểu Quốc hội Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, nhưng trên thực tế, nguồn vốn của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến chưa thống nhất giữa quy định trong chủ trương đầu tư của Chương trình và nguồn vốn đã phân bổ và chưa đồng bộ với quy định 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. "Quá trình thực hiện 3 năm vừa qua không vướng nhưng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và phục vụ cho công tác hậu kiểm Chương trình sau này nên có sự điều chỉnh như Chính phủ đề xuất".
Theo đó, đại biểu Quốc hội, Y Vinh Tơr đề nghị Quốc hội điều chỉnh quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình thành "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành". Đồng thời, đại biểu ung hộ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình vì "điều chỉnh là cần thiết, tốt hơn, quy định cụ thể, rõ ràng hơn và thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện", song đại biểu Y Vinh Tơr (Đoàn Đắk Lắk) cũng thống nhất quan điểm đưa hai nội dung đề xuất sửa đổi vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, không cần thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình như Quốc hội đã đề ra thì Quốc hội cũng rất yên tâm và rất phấn khởi. Đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn với Quốc hội nhất là khi đề xuất sửa đổi này trong giai đoạn chỉ còn khoảng 1,5 năm thực hiện", đại biểu Y Vinh Tơr nói./.
Thanh Việt