Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Vinh Tơr - Ủy viên DKBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện các tập thể, hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã huy động đạt 42.202,5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình MTQGXDNTM), trong đó Ngân sách Nhà nước bố trí trực tiếp cho Chương trình 3.082 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.397 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 1.686 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác 18.245 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 18.023 tỷ đồng và vốn do Nhân dân đóng góp hơn 2.851 tỷ đồng.

Đồng chí Y Vinh Tơr - Ủy viên DKBCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tặng hoa, chúc mừng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2011 - 2020.
Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, Nhân dân góp công lao động, hiến đất làm đường…Nhờ vậy, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn tỉnh phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tiễn của mỗi địa phương. Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 66/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 43,42% số xã; bình quân mỗi xã đạt 15,52 tiêu chí; có 124/152 xã cơ bản đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng (bằng 81,7%), cụ thể: (1) tiêu chí số 1 về quy hoạch, quản lý quy hoạch, 152/152 xã, đạt 100%; (2) tiêu chí số 2 về giao thông, 99 xã, đạt 65,1%; (3) tiêu chí số 3 về Thủy lợi, 128/152 xã đạt 84,2%; (4) tiêu chí số 4 về Điện, 134/152 xã đạt 88,2%; (5) tiêu chí số 5 về Trường học, 113/152 xã đạt 74,3%; (6) tiêu chí số 6 về Cơ sở, vật chất văn hóa, 86/152 xã đạt 56,6%; (7) tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng Thương mại nông thôn, 120/152 xã đạt 78,9%; (8) tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 147/152 xã đạt 96,7%; (9) tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, 117/152 xã đạt 77%; (10) tiêu chí số 10 về Thu nhập, 87/152 xã đạt 57,2%; (11) tiêu chí số 11 về hộ nghèo, 84/152 xã đạt 55,3%; (12) tiêu chí số 12 về lao động có việc làm, 150/152 xã đạt 98,7%; (13) tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất, 122/152 xã đạt 80,3%; (14) tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo 148/152 xã, đạt 97,4%; (15) tiêu chí số 15 về Y tế, 152/152 xã đạt 100%; (16) tiêu chí số 16 về Xây dựng gia đình văn hóa, 133/152 xã đạt 87,5%; (17) tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm, 95/152 xã đạt 62,5%; (18) tiêu chí số 18 về hệ Thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 144/152 xã đạt 94,7% và tiêu chí số 19 về Quốc phòng - An ninh, 148/152 xã đạt 97,4%.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 22/4/2011 và triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 70/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 2.382/2.888 tiêu chí, bằng 82,47%; bình quân đạt 15,67 tiêu chí/xã; có 46 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 39 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh(GRDP) ước đạt 54,55 triệu đồng/năm, tăng 1,67 lần so với nằm 2015; số hộ nghèo còn 39.250 hộ, chiếm 7,91% tổng số hộ trên địa bàn; giải quyết việc làm cho 271.120 lao động; trong đó có 174.100 lao động nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã xử lý dứt điểm, không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình MTQGXDNTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn tỉnh bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, trước khi triển khai Chương trình MTQGXDNTM, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều ở điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của cả nước; địa bàn của tỉnh rộng, mật độ dân số phân bổ không đồng đều, nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2/19 tiêu chí. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu và một số địa phương còn trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa đồng bộ; cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch còn chậm; chênh lệch khoảng cách giữa các xã khu vực I, II, III còn lớn; việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân thiếu bền vững; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa cao, chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của địa phương; việc xử lý chất thải sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng các sản phẩm OCOP chưa nhiều so với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng khiếu nại đông người liên quan đến đất đai vẫn còn xảy ra, có vụ việc khiếu nại kéo dài nhưng xử lý, giải quyết chưa dứt điểm; cùng với biến động của thị trường, đại dịch Covid-19… Những vấn đề đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh, tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện Chương trình.
Để thực hiện tốt hơn nữa Chương trình MTQGXDNTM, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: (1) tăng cường nguồn vốn hỗ trợ để địa phương có điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thực hiệu hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều; (2) Ban hành bộ tiêu chí về Chương trình MTQGXDNTM phù hợp với thực tế của từng địa phương; (3) khi xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương cần tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng, như: Diện tích tự nhiên khu vực nông thôn, tổng số km đường giao thông nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, tổng số hộ nghèo, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, số dân di cư tự do,….để phân bổ nguồn vốn nhằm bảo đảm cân bằng giữa các vùng, miền, khu vực; (4) Ban hành cơ chế đối với việc tích hợp nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cùng thực hiện trên một địa bàn để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp.
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP bên hành lang hội nghị
Trên cơ sở kết quả đạt được trong 10 năm qua, những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ngày 24/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Nghị quyết này, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu: (1) đến năm 2025: toàn tình có 100/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 65% số xã; có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. (2) đến năm 2030: có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Theo đó, ngày 22/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định 14 giải pháp chủ yếu cần tiếp tục quán triển sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh để nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đủ và toàn diện chủ trương của Tỉnh ủy, giải pháp tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình MTQGXDNTM; tạo niềm tin, ủng hộ của Nhân dân, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện đến năm 2030 toàn tỉnh đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Nhân dịp này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 03 hộ gia đình và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk./.
Tin, ảnh: Thanh Việt - Văn Linh