Phê duyệt Đề án Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025
Ngày đăng: 04/10/2024 15:04
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/10/2024 15:04
Bài đọc:
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua 08 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, tập trung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới” theo Nghị quyết số 176/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 27/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký ban hành Quyết định số 2459 /QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Ảnh: Hoạt động Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023
(Nguồn: Báo Người Lao động)
|
Thứ nhất: Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025), mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khơi dậy lòng tự hào, khích lệ, động viên tinh thần đồng bào các dân tộc nỗ lực phấn đấu, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Thứ hai: Tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; Xây dựng hình ảnh của thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”.
Thứ ba: Tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thứ tư: Giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.
Thứ năm: Giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”
Trong khuôn khổ của Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội cà phê trên môi trường internet; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang cà phê đặc sản; Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt; Lễ hội đường phố; Hội thi Nhà nông đua tài; Lễ hội ánh sáng; Festival các ban nhạc rock; Hội trại cà phê; Uống cà phê miễn phí; Giải đua xe ô tô địa hình quốc tế “Thử thách vượt đại ngàn - Buôn Đôn 2025”; Hành trình du lịch: Hội Voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk...
Ảnh: Lễ hội đường phố (Nguồn: Báo Đắk Lắk)
|
Bích Quyên