Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024 và Nghị quyết số 54/NQ-HĐND, ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2024. Ngày 04/3/2024, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh ban hành Thông báo số 120/TB-ĐGS về Chương trình làm việc của Đoàn giám sát số 54 giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về Phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Ngày 15/3/2024, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh đồng chí Trần Phú Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ. Tham dự buổi giám sát còn có các đồng thành viên Đoàn giám sát số 54.
|
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát số 54 với UBND huyện Ea H’leo
|
Trong buổi sáng, Đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực tế vùng trồng cà phê của huyện Ea H’leo và làm việc với UBND huyện. Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2023, tổng diện tích cà phê toàn huyện là 30.950 ha, tăng 133 ha so với năm 2017; sản lượng đạt 73.250 tấn; tổng diện tích cà phê tái canh đạt trên 2.234 ha, diện tích cà phê ngoài quy hoạch được chuyển đổi sang cây ăn quả, cây lâu năm khác trên 1.170 ha, đạt 24,12% so với kế hoạch.
Từ năm 2017 – 2023, huyện đã tổ chức được 156 lớp tập huấn, đào tạo cho gần 9.000 lượt nông dân sản xuất cà phê tham gia; cấp cây giống cà phê tái canh 299.915 cây (giống cây cà phê thực sinh). Trên địa bàn huyện có 12 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác có hoạt động về sản xuất, kinh doanh ngành hàng cà phê; có trên 29 công ty, doanh nghiệp và trên 65 hộ kinh doanh ngành hàng cà phê. Đến nay, toàn huyện có 233 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP; 1.633 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn khác (4C, RA, Hữu cơ,...). Trong đó Diện tích liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 338 ha.
|
Các thành viên Đoàn giám sát đi khảo sát tại một hợp tác xã
trên địa bàn huyện Ea H'leo.
|
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo trong thời gian qua chủ yếu là vốn của dân, vốn tín dụng và vốn lồng ghép từ một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, vay vốn tái canh cà phê, có 44 hộ được giải ngân với tổng vốn vay trên 8,8 tỷ đồng (thuộc dự án VnSAT từ năm 2016 đến 30/6/2018); có 3.506 hộ vay vốn để đầu tư trồng và chăm sóc cây cà phê từ Agribank Bắc Đắk Lắk - Chi nhánh Ea H’leo, với tổng tiền giải ngân là 630 tỷ đồng (lãi suất 10.5%/năm)…
|
Đồng chí Võ Đại Huế, Uỷ viên Thường trực,Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của
HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi giám sát.
|
Tại buổi làm việc, đống chí Y Thắng Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo kiến nghị tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hàng năm phù hợp để thực hiện các nội dung, chỉ tiêu kế hoạch của Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh; tăng cường hỗ trợ các mô hình sản xuất cà phê hữu cơ, cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời, mong muốn tỉnh đề nghị Trung ương xem xét ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn tái canh cà phê theo hướng đơn giản thủ tục để nông hộ sản xuất cà phê được tiếp cận dễ dàng…
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND thị xã Buôn Hồ.
Trong giai đoạn 2017 – 2023, việc thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã đã đạt được những kết quả tích cực.
|
Quan cảnh Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh làm việc với UBND thị xã Buôn Hồ
|
Cụ thể: Thực hiện tốt việc giữ vững, duy trì diện tích cây cà phê ổn định ở mức 15.000ha (trong đó có 2.693,32 ha cà phê được sản xuất theo chứng nhận), sản lượng bình quân hàng năm khoảng 40.000 tấn. Đã tiến hành trồng tái canh cà phê được 1.112,47 ha. Nông dân sản xuất cà phê đã được phổ biến tuyên truyền các kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo, trồng xen, tưới nước tiết kiệm... thông qua các chương trình, dự án, mô hình. Một số diện tích cà phê được trồng xen cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Đã thực hiện 03 mô hình về phát triển cà phê bền vững (Trong đó 01 mô hình sản xuất cà phê bền vững quy mô 01 ha và 02 mô hình trồng cà phê tái canh 1,4 ha, mỗi hộ có quy mô 0,7 ha). Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cà phê vào địa bàn: hiện nay thị xã có 63 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu vào, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn thị xã; trong đó có 02 doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động từ các nông, lâm trường sang mô hình Công ty TNHH một thành viên; có 24 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 249 thành viên tham gia; có 32 Tổ hợp tác với 739 thành viên. Hàng năm UBND thị xã bố trí 7,599 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp (trong đó có nội dung chi hỗ trợ phát triển cà phê bền vững).
|
Đồng chí Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột
phát biểu tại buổi giám sát
|
Cùng với việc tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thị xã cũng quan tâm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh để đủ điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát triển cà phê theo hướng bền vững; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê tạo mối liên kết phát triển cà phê có chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ...
|
Đồng chí Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ
phát biểu tại buổi làm việc
|
Tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ báo cáo thêm: Mặc dù hiện có nhiều cây trồng xen mang giá trị cao hơn cà phê, nhưng thị xã vẫn xác định cây cà phê là cây trồng bền vững. Do đó, thị xã đề nghị Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, các sở, ban ngành quan tâm xây dựng hệ thống công trình thủy lợi theo quy hoạch để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng; tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ việc xây dựng phát triển giao thông nội đồng; các ngành chức năng của tỉnh đồng hành cùng với địa phương phát triển cà phê đi theo hướng nâng cao giá trị vườn cây thông qua viêc tái canh và thực hiện quy trình chế biến cà phê chất lượng cao...
|
Các thành viên của Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại vườn cà phê canh tác bền vững
của hộ dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.
|
Phát biểu Kết luận Buổi giám sát, đồng chí Trần Phú Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá sự nỗ lực của hai địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND; đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Diện tích cà phê cơ bản được duy trì ổn định; diện tích cà phê tái canh được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Nhiều nông hộ được tập huấn, đào tạo về kỷ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê theo hướng bền vững hàng năm, tham gia phổ biến Chương trình cà phê 4C do Doanh nghiệp tổ chức…
|
Đồng chí Trần Phú Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng Đoàn giám sát số 54 phát biểu kết luận
|
Tuy nhiên, hai địa phương cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, nhất là tập trung rà soát lại diện tích cà phê hiện tại để có số liệu đánh giá chính xác về diện tích, năng suất, sản lượng; diện tích cà phê cần tái canh…
Phương An