Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tình hình chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính giai đoạn 2020 - 2022 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày đăng: 08/05/2023 13:56
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/05/2023 13:56
Ngày 05/5/2023, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh do bà Phạm Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã tổ chức giám sát tình hình chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính giai đoạn 2020 - 2022 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham gia giám sát còn có các đồng chí thành viên Đoàn giám sát.
Qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2020-2022 Sở đã tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, các văn bản chuyên ngành về xử lý vi phạm hành chính đến các đơn vị trực thuộc để theo giõi, cập nhật thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuộc chuyên ngành của mình. Đồng thời hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế về công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành, Thanh tra Sở tiến hành xây dựng Kế hoạch thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc
|
Bên cạnh đó, cùng với việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt Sở quan tâm bố trí nguồn nhân lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc chấp hành pháp luật xử phạt hành chính; việc bố trí điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật cơ bản đáp ứng cho công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Trong mốc thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở đã phát hiện 347 vụ vi phạm hành chính, ban hành 347 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt 1.811699.896đ. Cơ bản hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, bị xử lý, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền. Khi xử lý có căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, có xem xét tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, áp dụng đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện các quy định về giải trình; việc thực hiện các quy định về thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính đều được triển khai thực hiện... Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
![]() |
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình một số nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát tại buổi làm việc
|
Tuy nhiên, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn nhiều khó khăn như: Các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, công nghệ thông tin, trang thiết bị bảo đảm thi hành pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, thiếu thiết bị đo kiểm, phòng thử nghiệm cơ bản...; kinh phí phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhất là kinh phí mua mẫu, phân tích mẫu rất ít nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính của các cấp, các ngành chưa nhiều… Đây là khó khăn và thách thức lớn trong công tác thanh kiểm tra cũng như công tác xử lý vi phạm hành chính.
![]() |
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiến nghị với đoàn giám sát một số khó khăn vướng mắc
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn 2020-2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa được chuyên sâu, thường xuyên và đồng đều… dẫn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền trong một số trường hợp chưa được phát huy triệt để. Công tác phối hợp giữa các phòng, ban trong triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có thời điểm còn chưa thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời. Cán bộ, công chức trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của công dân vẫn còn sai sót sai sót. Vẫn còn một số đối tượng vi phạm hành chính chậm chấp hành quyết định nộp phạt.
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Đoàn Giám sát về các vấn đề như: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính; xây dựng 04 khu cách ly nuôi nhốt động vật cho các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên các tuyến Quốc lộ đi qua tỉnh để lấy mẫu kiểm tra, giám sát và kiểm dịch động vật đối với các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vào địa bàn tỉnh; bổ sung kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính…
![]() |
Bà Phạm Thị Phương Hoa, UVTT, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Phạm Thị Phương Hoa, Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mặc dù lĩnh vực quản lý tương đối rộng nhưng cũng đã thực hiện tốt trong việc chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong thời gian tới đề nghị đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức giáo dục, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao kiến thức pháp luật và tự giác chấp hành các quy định pháp luật cho Nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện, cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng về xử lý vi phạm hành chính để tham mưu, áp dụng đúng thẩm quyền theo quy định; tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đang xảy ra nhiều vi phạm, có nhiều ý kiến của Nhân dân; đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy về xử lý vi phạm hành chính và thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quan tâm bố trí, cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính đảm bảo số lượng và chất lượng./.
Phương An