Đắk Lắk xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Ngày đăng: 12/07/2022 16:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/07/2022 16:36
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) cả về số lượng và chất lượng. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS không chỉ đảm bảo tỷ lệ đội ngũ cán bộ DTTS tham gia vào cơ quan Nhà nước mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Ngày 19 tháng 5 năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết số 13-NQ/TU đã đánh giá: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành của tỉnh luôn chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói riêng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chiếm tỷ lệ 13,2%; trong đó khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (cấp tỉnh, huyện) chiếm 15,5%, khối nhà nước chiếm 11,2%, khối sự nghiệp chiếm 13,3%. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị; nhiều đồng chí được rèn luyện, trưởng thành từ cơ sở, am hiểu sâu sắc đời sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; tư duy đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: sotuphap.daklak.gov.vn)
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa thật sự đổi mới, vẫn còn một số bất cập, hạn chế: Công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ công chức, viên chức người DTTS còn thiếu đồng bộ và chưa có tính kế thừa, phát triển lâu dài; số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong đội ngũ cán bộ quy hoạch còn thấp; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới; chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh vị trí việc làm. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt thấp; tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp còn thấp so với yêu cầu đề ra, chưa phù hợp với tỷ lệ dân cư người DTTS hiện có trên mỗi địa bàn...
Với quan điểm Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ trong thời gian tới; phải được đặt trong tổng thể công tác cán bộ của tỉnh gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk (Nguồn:daklak 24h)
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đạt 15% trở lên; đến năm 2030 đạt tỷ lệ 30% và đến năm 2045 tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Theo Nghị quyết, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý và trong các cơ quan đơn vị cấp tỉnh: Lãnh đạo các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể đạt từ 28% trở lên; lãnh đạo cấp phòng đạt từ 10% trở lên. Lãnh đạo các cơ quan khối hành chính, khối sự nghiệp đạt từ 15%, lãnh đạo cấp phòng cơ quan khối hành chính đạt từ 12%, khối sự nghiệp đạt từ 10%.
Phấn đấu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể, hành chính đạt 15%, khối sự nghiệp đạt 12%.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý và trong các cơ quan đơn vị cấp huyện: Lãnh đạo các ban, ngành cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể đạt từ 25% trở lên; các phòng, ban, ngành thuộc khối hành chính, sự nghiệp đạt từ 13%. Đối với các cơ quan đơn vị có tỷ lệ người DTTS thấp thì tùy theo tính chất công việc, khả năng trình độ của cán bộ để bố trí phù hợp.
Phấn đấu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện trong toàn tỉnh đạt 15% trở lên. Trong đó: Khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể đạt 20%; khối hành chính Nhà nước đạt 13%; khối sự nghiệp đạt 15%.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý và trong các cơ quan đơn vị cấp xã: Phấn đấu tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS trong tổng số cán bộ công chức cấp xã trong toàn tỉnh đạt 20% trở lên.
Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện: Đẩy mạnh quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài; đổi mới tư duy, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ như: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực, bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, nhiễm nhiệm, điều động, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.../.
Thu Thủy