Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Ngày đăng: 16/06/2022 10:34
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Ba - Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10 tháng 6 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đã tham gia thảo luận.
|
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên họp (Ảnh:https://media.quochoi.vn)
|
Theo đại biểu, Khánh Hòa là một Tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh không chỉ của vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà còn của cả nước. Một Khánh Hòa giàu mạnh không chỉ có ý nghĩa trong phát triển kinh tế mà còn tăng cường nguồn lực giúp bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đại biểu nhất trí rất cao với việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá để Khánh Hòa phát triển, thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 09. Việc ban hành Nghị quyết này cũng đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình 10 chính sách thí điểm, trong đó 6 chính sách đang cho phép một số địa phương thực hiện. Đây là các chính sách khi xem xét quyết định Quốc hội đã thảo luận kỹ, đều thấy cần thiết và có sự đồng thuận cao. Quá trình thực hiện cho thấy đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc. Do đó, việc tiếp tục cho phép tỉnh Khánh Hòa được thực hiện 6 chính sách này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp.
Đối với các chính sách mới, dự thảo Nghị quyết đề xuất 4 chính sách mới, đại biểu cho rằng Chính phủ đã có những tìm tòi để xây dựng các chính sách mới này với dung lượng 40% là các chính sách mới. Đây là một tỷ lệ chính sách mới rất cao so với các nghị quyết trước. Nội dung các chính sách cơ bản là hợp lý, huy động được các nguồn lực, nhất là nguồn lực lớn từ khối tư nhân, rất thiết thực và gắn với đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Bám sát mục tiêu, yêu cầu đã được đặt ra tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Đại biểu nhất trí cao với nhóm các chính sách mới này, cụ thể:
Về chính sách tách hợp phần giải phóng mặt bằng và tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, đây là chính sách thí điểm, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu tại Nghị quyết 29 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đến nay, Chính phủ vẫn đang tích cực nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội. Việc Chính phủ đề xuất cho tỉnh Khánh Hòa làm thí điểm trước là hợp lý. Đây cũng là một bước để thúc đẩy nhanh hơn việc nghiên cứu trình Quốc hội cho phép thực hiện đại trà trong cả nước và triển khai ở các địa phương.
Về chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đại biểu nhất trí với quy định về nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí, điều kiện được định lượng cụ thể như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết và cho rằng do đặc thù cơ sở hạ tầng của khu kinh tế này còn hạn chế, cho nên để có thể phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và trong thời gian ngắn thì rất cần phải có chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tại huyện Trường Sa là rất cần thiết. Một mặt là để bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá, phát triển và nâng cao đời sống dân sinh nhưng cái được lớn hơn rất nhiều là giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi nghề cá ở Trường Sa phát triển sẽ là minh chứng sống động, là cột mốc chủ quyền di động vững chắc, bảo đảm cơ sở lịch sử pháp lý hữu hiệu, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá tại huyện Trường Sa là rất cần thiết, đã rõ và cần sự ổn định lâu dài. Riêng vấn đề này, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho chính thức thành lập mà không cần phải thực hiện thí điểm. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XV. Bên cạnh, việc quy định cụ thể những chính sách thí điểm để bảo đảm sự đồng bộ và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định một số chính sách, giải pháp đặc thù hoặc phân cấp, ủy quyền cho Khánh Hòa. Bởi vì, để có thể triển khai thực hiện thành công các chính sách mới này, đòi hỏi cũng phải có những giải pháp đồng bộ và biện pháp đặc thù trong việc tổ chức thực hiện. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành ngày 28/01/2022 đến nay chưa đầy 4,5 tháng, thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng hồ sơ dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị rất chất lượng. Đại biểu nhấn mạnh thêm “tôi đặc biệt đánh giá cao việc này, có thể nói đây là một ví dụ mẫu mực trong việc khẩn trương, trách nhiệm, quyết liệt thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật để sớm đi vào cuộc sống. Nghị quyết về Khánh Hòa được Quốc hội thông qua thì cả nước sẽ có 9 địa phương được áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm chiếm tỷ lệ 14,3%. Xét về địa bàn cả nước có 7 vùng kinh tế thì 5 vùng đều đã có địa phương được thực hiện thí điểm, 1 vùng có 3, 2 vùng có 2 và 2 vùng có 1 địa phương, chỉ còn lại 2 vùng chưa có là vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Để bảo đảm phát huy được tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tất cả các vùng kinh tế, bảo đảm hiệu quả của việc thí điểm. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp tục lựa chọn ít nhất mỗi vùng này một địa phương được làm thí điểm, khi đó sẽ có 11/63 tỉnh chiếm tỷ lệ 17,5%, tức là gần 1/5 số địa phương được thí điểm, một tỷ lệ tôi cho rằng rất đẹp và rất phù hợp với việc làm thí điểm, không nhiều và cũng không ít, lại bao phủ được trên tất cả các địa bàn và vùng kinh tế của cả nước. Đối với tỉnh Đắk Lắk chúng tôi, Bộ Chính trị đã có Kết luận 67 ngày 16 tháng 2 năm 2019 về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuật trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên và Bộ Chính trị cũng đề ra giải pháp cần nghiên cứu ban hành văn bản pháp luật cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Kết luận của Bộ Chính trị ban hành đến nay cũng đã gần 2 năm rưỡi, với vị trí là Trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia, tiềm năng, thế mạnh hết sức lớn, là nơi có mặt, sinh sống của hầu hết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, rất giàu bản sắc văn hóa với văn hóa cồng chiêng và đại ngàn hùng vĩ, đất đai phì nhiêu, nhân dân cách mạng, chung thủy, sắt son, nguyện vọng của chính quyền, nhân dân, cử tri và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chúng tôi rất mong chờ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa Kết luận 67 của Bộ Chính trị xây dựng trình Quốc hội nghị quyết cho phép Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được thí điểm những cơ chế, chính sách phù hợp để có thể thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, để đồng bào Đắk Lắk, đồng bào Tây Nguyên sống hạnh phúc và làm giàu được trên quê hương của mình, để Tây Nguyên phát triển, không còn bị tiếng là vùng đất phía Tây cứ mãi ngủ nguyên không chịu lớn lên cùng đất nước”./.
Y Thưa