Đại biểu Quốc hội Đoàn Đắk Lắk: Thảo luận, góp ý đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Ngày đăng: 29/10/2023 13:02
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2023 13:02
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Chủ trì thảo luận, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; dự thảo luận có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đại biểu Quốc hội khóa XV của 04 tỉnh: Đắk Lắk, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Hậu Giang (Tổ 13).
Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành:
![]() |
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài (bên trái) và Phó Trưởng Đoàn, Phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk dự phiên họp họp thảo luận Tổ chiều 27/10/2023
|
![]() |
Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức, Đoàn Đắk Lắk - Ủy viên Thường trực của Hội đồng dân tộc (giữa) tại phiên họp thảo luận Tổ chiều ngày 27/10/2023
|
Về gia hạn thời gian đầu tư, tôi đồng ý với nội dung trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến các đồng chí trước tôi. Từ khi có Nghị quyết (từ năm 2019 - 2021) nằm trong thời kỳ phát sinh đại dịch Covid-19, bên cạnh đó thời gian qua, tại Đồng Nai có rất nhiều dự án lớn của quốc gia như dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án Biên Hòa - Tàu, cho nên việc bố trí xây dựng các khu tái định cư sẽ ảnh hưởng tới thời gian triển khai. Vì vậy, tôi đề nghị cho phép kéo dài thời gian thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về bố trí tái định cư, theo Chính phủ có 1.066 hộ đã xét duyệt tái định cư nhưng không đủ điều kiện để bố trí và 308 hộ đang rà soát bố trí tái định cư, nhưng Chính phủ không nêu nguyên nhân và giải pháp để giải quyết như thế nào trong thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm nội dung này. Về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tôi cho rằng tỉnh Đồng Nai làm quá chậm. Từ năm 2017 tới bây giờ (theo Tờ trình của Chính phủ), tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo cho người dân là đối tượng bị thu hồi đất và bố trí tái định cư. Theo đại biểu, tỉnh Đồng Nai quan tâm hơn nữa vấn đề này để giải quyết, tạo điều kiện cho người dân khi thu hồi đất, giúp họ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đắk Lắk thì cho rằng:
Điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 53/2017/QH14 tập trung vào hai nội dung chính đó là kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024 và kéo dài thời gian giải ngân số vốn trên cơ sở thuộc các kế hoạch vốn năm 2020 đến hết năm 2024; đại biểu thống nhất với nguyên nhân Chính phủ trình, thể hiện trong báo cáo lần này. Tuy nhiên, theo đề xuất của Chính phủ kéo dài tới năm 2024, đại biểu băn khoăn về tiến độ thực hiện và cho rằng, có ba mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 53/2017/QH14 đề ra, đó là thực hiện tổng mức đầu tư dự án đối với diện tích đất thu hồi; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và một số nội dung liên quan. Như vậy, tiến độ thực hiện đến giờ phút này, cơ bản cũng đạt được hai phần ba chặng đường; thời gian thực hiện Nghị quyết số 53/2017/QH14 từ năm 2017 đến năm 2023, như vậy là sáu năm để thực hiện nghị quyết này, trong đó mất 2 năm liên quan đến dịch covid-19, còn 4 năm triển khai thực hiện; số còn lại chúng ta kéo dài chỉ trong một năm 2024 thì tôi băn khoăn, có đủ không hay kéo dài thêm 2 năm ?
![]() |
Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Bí thư Thị ủy Buôn Hồ phát biểu tại phiên họp thảo luận Tổ chiều 27/10/2023
|
Liên quan đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ:
Đại biểu thực sự chia sẻ và tán đồng với quan điểm phải có chính sách nhằm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khó khăn hiện nay mà thực tiễn đang bất cập, địa phương đang khó thực hiện. Đặc biệt, những hạng mục dự án, công trình trọng điểm tại các địa phương đang triển khai, đang vướng, không tháo gỡ được. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết ngoài danh mục dự án trình kỳ họp này còn những dự án khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế này. Đại biểu rất băn khoăn một điều là rõ ràng với Luật Đầu tư công theo phương thức PPP thì vấn đề nguồn lực của Nhà nước đầu tư chỉ là vấn đề cơ bản là "mồi", còn lại vấn đề là phải tranh thủ được nguồn hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Như vậy, những dự án khác tương tự như thế sẽ tiếp tục trình và được hưởng theo cơ chế chính sách đặc thù này, liệu rằng ngoài lĩnh vực đầu tư giao thông vận tải còn những lĩnh vực khác nếu áp dụng theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong quá trình triển khai cũng bị vướng như thế, thì phải chăng cần thiết phải sửa đổi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay không? Hay chỉ dùng áp dụng cho lĩnh vực giai thông thôi. Theo đại biểu, Chính phủ phải đánh giá lại việc đầu tư các hạng mục, các dự án, công trình không chỉ là công trình giao thông để điều chỉnh cơ cấu nguồn lực của Nhà nước.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành Đoàn Đắk Lắk, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phát biểu tại phiên họp thảo luận Tổ chiều ngày 27/10/2023
|
Vì đã có danh mục dự án thì những nội dung ở trong danh mục đó là tất cả đều được thực hiện hay những dự án và đồng thời chúng ta phải kết hợp với tiêu chí, nguyên tắc được quy định cụ thể tại Điều 3, trên cơ sở đó, chúng ta mới lựa chọn dự án cụ thể để áp dụng thực hiện; như vậy nó không không rõ ràng, không minh bạch. Do đó, đại biểu Thành đề nghị phải làm rõ để có cách thiết kế cho phù hợp nếu không về sau này sẽ vướng mắc khi thực hiện.
Bên cạnh đó, cách quy định về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm tôi thấy không hợp lý lắm; dự thảo đưa ra bốn tiêu chí, nguyên tắc nhưng cả bốn nội dung này có vẻ như đều có vấn đề cả. Thứ nhất là có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp trung ương thì chắc chắn phải có người đề xuất chứ không thể có một dự án nào không có người đề xuất cả. Thế thì đưa một tiêu chí, nguyên tắc để áp dụng phải có một người đề xuất thì không cần thiết. Thứ hai là đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư đấy, vì nó là dự án cụ thể thì chắc chắn phải xác định được, nếu không thì chắc cũng không thể xác định được; tiêu chí này tôi thấy cũng không ổn lắm. Hay là tiêu chí phải có địa điểm, thời gian thực tế thì rõ ràng dự án phải có địa điểm và có thời gian, cái này cũng thừa. Nên cả bốn tiêu chí tôi thấy đều có vấn đề; dó đó, nên có hay không có quy định tiêu chí ở Điều 3, dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến cảng hàng không quốc tế Long Thành, về sự cần thiết, tôi nghĩ chắc chắn phải cần thiết. Vì đã triển khai, để triển khai dự án nhưng bây giờ chúng ta ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Chúng ta quy định phải hoàn thành trước năm 2021, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chưa hoàn thành thì phải làm để hoàn thành, nếu không giải phóng được mặt bằng thì không triển khai được dự án. Tuy nhiên, nếu thời hạn đến hết năm 2024 vẫn chưa hoàn thành thì phải tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét quyết định thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng lần nữa, nên cần thiết phải làm rõ thời điểm hoàn thành để cử tri yên tâm, đại biểu Quốc hội có cơ sở biểu quyết thông qua nội dung này.
Theo Chương trình kỳ họp, ngày 30/10/2023 Quốc hội thảo luận tại Hội trường (Truyền hình, phát thanh trực tiếp) đối với Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phòng Công tác Quốc hội