Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh họp thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp lần thứ Tám, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày đăng: 28/06/2024 15:33
Ngày 25/6/2024, Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp lần thứ Tám, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Phạm Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì phiên họp, tham dự có các thành viên của Ban Pháp chế; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Theo nội dung, chương trình phiên họp Ban Pháp chế tiến hành thẩm tra 03 nội dung, gồm: Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh; Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
|
Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham gia báo cáo tại phiên họp
|
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Pháp chế đã tham gia góp ý, thẩm tra các nội dung Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 Ngành Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hai cấp và ngành Thi hành án dân sự tỉnh. Các thành viên đánh giá cao công tác của ba ngành, các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra cũng như chỉ tiêu mà các ngành đã đề ra trong kế hoạch hoạt động công tác 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Ban Pháp chế thống nhất những tồn tại, hạn chế của ba ngành như báo cáo đã đề cập: Đối với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của một số đơn vị còn để xảy ra trường hợp án hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của viện kiểm sát; việc số hóa hồ sơ, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy còn hạn chế, chưa tương xứng như kỳ vọng; …Đối với Tòa án hai cấp còn để xảy ra tình trạng các bản án bị hủy, sửa chủ yếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện; đưa thiếu người tham gia tố tụng; một số đơn vị chưa mạnh dạn đề xuất nguồn bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để phát triển thành án lệ; việc tuyên án còn gây một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành án, dẫn đến án đã tuyên nhưng không thực hiện được…Đối với Cục Thi hành án dân sự kết quả tự nguyện thi hành án của người phải thi hành chưa cao; chưa đồng bộ kết quả hoạt động của toàn ngành; vẫn còn trường hợp Chấp hành viên chậm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với loại việc thi hành án chủ động, chậm cưỡng chế thi hành án…
|
Đồng chí Nguyễn Khắc Long, thành viên Ban Pháp chế, tham gia ý kiến tại phiên họp
|
Kết luận tại cuộc họp, Đồng chí Phạm Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: đối với ba ngành trong 6 tháng cuối năm 2024 cần nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi nhiệm vụ, tránh tình trạng sai phạm do lỗi chủ quan; đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế đã nêu ra; quan tâm tăng cường giáo dục tư tưởng đối với cán bộ, công chức các ngành; kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền bố trí biên chế cho tương đồng với công việc, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính, tránh để tồn đọng, kéo dài; quan tâm hơn nữa đến vấn đề tuyên án, có hướng dẫn thi hành đối với một số bản án tuyên chưa rõ hoặc còn khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh./.
Ngọc Sơn